Uống nước đúng cách mang lại nhiều lợi ích hơn bạn tưởng!

Ngày 13/06/2017

Nước chiếm khoảng 70% khối lượng của cơ thể con người và tham gia vào rất nhiều hoạt động, trong đó quan trọng nhất là bài tiết, thải độc và điều hòa thân nhiệt. Theo các chuyên gia, nước còn quan trọng hơn cả chất đạm, chất béo, chất đường, vitamin và chất khoáng. Nếu một người không ăn gì cả, chỉ uống nước thôi có thể sống được một tháng, nhưng nếu không uống nước chỉ sống chưa tới một tuần.

Lượng nước bạn uống vào hàng ngày nếu không đủ để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể thì cũng không đủ để cung cấp cho da. Trong thành phần cấu tạo của da thì nước cũng chiếm 70%, có chức năng hỗ trợ quá trình bài tiết, tuần hoàn của da, và đặc biệt có nhiệm vụ kích hoạt các enzym trợ giúp cho hoạt động của Collagen và Elastin, tạo sự đầy đặn và thúc đẩy quá trình tái tạo cho da. Thêm vào đó, da có cấu tạo giống như các “viên gạch” (các tế bào da) xếp cạnh nhau và chồng từng lớp lên nhau. Dầu và nước (tạo nên độ ẩm) trên da có tác dụng giống như “vữa” giúp các “viên gạch” ấy se khít. Khi các tế bào da se khít, không có lỗ hổng, thì nước bên trong da sẽ ít bị thoát ra ngoài, đồng thời các tác nhân bên ngoài (bụi bẩn, vi khuẩn) cũng khó xâm nhập vào da.

Rõ ràng, nước rất quan trọng đối với da. Vậy nhu cầu nước với cơ thể là bao nhiêu và uống nước thế nào là đúng cách nhất?


Nhu cầu nước cho từng loại da
Uống bao nhiêu nước 1 ngày là đủ? Câu trả lời ai cũng biết đó là 1,5-2 lít nước 1 ngày là mức trung bình cho một người trưởng thành. 

Đối với một số điều kiện đặc biệt thì sao?
- Trong điều kiện thời tiết nắng nóng nước thoát ra đường mồ hôi tăng đột biến, các bạn cũng có thể có thể cảm nhận đc điều này vì thấy mình khát thường xuyên hơn. Do vậy nhu cầu nước lúc này cần tăng lên 2-3 lít một ngày tùy lượng mồ hôi thoát ra của mỗi người nhiều hay ít.
- Mùa đông nhu cầu uống nước tưởng chừng như ít hơn vì ít ra mồ hôi hơn, tuy nhiên hiện tượng mất nước qua bề mặt da vẫn xảy ra liên tục nhưng chúng ta không thể thấy rõ, kèm theo đó là thời tiết hanh khô dễ làm da mất nước cấp kỳ gây nứt nẻ, từ đó lại khiến nước thoát qua da nhiều hơn. Chính vì vậy, bạn vẫn cần bổ sung đủ lượng nước tối thiểu là 1,5 – 2 lít.
- Khi bạn tiếp xúc lâu với điều hòa hay máy sưởi, nước trên bề mặt da sẽ bay hơi rất nhanh so với bình thường, cơ thể chưa kịp điều tiết nên da cũng dễ bị khô và nứt nẻ, bạn cũng nên cung cấp nước thường xuyên trong trường hợp này.
- Tập thể thao ra rất nhiều mồ hôi, bạn cũng cần uống một lượng thêm vào (ngoài 1,5 lít) để bù lại cho lượng nước mất qua quá trình tập luyện.
- Một số loại thuốc chữa bệnh, vitamin, hay thực phẩm chức năng cũng khiến cơ thể tốn nhiều nước hơn, bạn cần chú ý uống nhiều nước hơn khi ốm hay bổ sung thêm vitamin. 

Nhu cầu nước đối với từng loại da cụ thể như thế nào?
- Da thường: chỉ cần giữ ở mức trung bình.
- Da khô: cần uống nhiều hơn trung bình 1 chút do lượng nước trên da ít hơn da bình thường. Tùy vào mức độ khô da mà bạn nên tăng thêm lượng nước phù hợp. Da khô lâu năm nếu không bổ sung đủ nước sẽ lão hóa sớm hơn nhiều so với các loại da khác. 
- Da dầu: Đa phần các bạn đều tưởng rằng da dầu không cần bổ sung nước, tuy nhiên ít ai biết được khi độ ẩm trên da cân bằng (giữa dầu và nước) thì lượng dầu thừa sẽ giảm bớt đi. Do đó da dầu càng nên uống nhiều nước để giảm tiết dầu, ngăn ngừa bã nhờn gây bít tắc da.
- Da mụn: ngoài tác dụng cân bằng độ ẩm như trên thì nước còn giúp da đào thải độc tố, tăng cường quá trình tái tạo da, giúp da chết bong đi dễ dàng hơn, không gây tắc nghẽn (mụn). Da mụn đặc biệt cần uống thêm nhiều nước (2-2,5 lít) để mụn mau chóng khỏi. 
- Da lão hóa: nước hỗ trợ cho hoạt động của collagen và elastin giúp da căng mịn tự nhiên. Để đảo ngược dấu hiệu lão hóa và ngăn ngừa lão hóa sớm, bạn nên cố gắng uống nước nhiều hơn một chút so với trung bình.
- Da nhạy cảm: nước thúc đẩy quá trình tái tạo da, giúp hàng rào bảo vệ phục hồi nhanh hơn. Da nhạy cảm thường hay bong tróc do khô, gây thoát nước qua da mạnh hơn, như vậy cũng cần cung cấp thêm nước bù cho lượng mất đi.

LƯU Ý: 
- Nhu cầu nước thực sự của cơ thể cao hơn 2 lít nhiều, nhưng nước có trong tất cả thức ăn bạn nạp vào cơ thể (rau, quả, kể cả cơm hay thịt) vì vậy mức 1,5 - 2 lít ở đây chỉ tính nước lọc hoặc những thức uống chứa nhiều nước.
- Có nhiều nghiên cứu và bằng chứng cho thấy rằng uống quá nhiều nước sẽ gây tác hại nguy hiểm tới cơ thể. Nhu cầu nước và mức độ hoạt động (bao gồm cả chơi thể thao) của mỗi người khác nhau do đó lượng nước cần bổ sung cho từng người là khác nhau, không có quy chuẩn nào cụ thể cả. Hãy nhớ rằng "1,5 - 2 lít/ngày" là mức TRUNG BÌNH, nghĩa là có thể cao hơn cũng có thể thấp hơn. Vì vậy mỗi người cần phải tự hiểu và đánh giá được nhu cầu của bản thân để có một sự bổ sung nước hợp lý, vừa giúp da đẹp mà không gây tổn hại đến sức khỏe!

 

3. Những nguyên tắc quan trọng khi bổ sung nước:
- Nguyên tắc 1: Cung cấp 1 lượng nước thường xuyên và đều đặn, không uống liền tù tì lúc mấy cốc, mà nên uống từng hụm một. Uống càng chậm càng tốt, càng uống nhiều 1 lúc lượng nước thoát qua nước tiểu càng nhiều.
- Nguyên tắc 2: Khi uống hãy ngậm trong miệng và súc nhẹ để cơ thể nhận tín hiệu là đang uống nước, từ đó giúp nước hấp thụ nhiều hơn vào cơ thể.
- Nguyên tắc 3: Khi tập thể thao xong hay nóng quá bị ra mồ hôi nhiều nên uống nước bù lại cho lượng nước mất đi, nhưng không nên uống dồn dập sau khi tập dễ gây loãng máu. Trong khi tập thỉnh thoảng uống 1 hụm nhỏ, tập xong thì uống nhiều nhưng uống từ từ trong lúc nghỉ để đi tắm.
- Nguyên tắc 4: Sáng ngủ dậy uống 1 cốc, trước khi ngủ uống 1 cốc (khoảng 150ml/cốc). Điều này rất quan trọng vì khi ngủ dù cơ thể hoạt động chậm hơn bình thường nhưng vẫn cần 1 lượng nước nhất định sau một thời gian dài như vậy. Bạn nên nhớ buổi đêm cũng là lúc da tái tạo nhanh nhất nên cần bổ sung đủ nước ban đêm.
- Nguyên tắc 5: không đợt khát mới uống vì khi khát nghĩa là lượng nước trong cơ thể đã bị thiếu hụt rồi.
- Nguyên tắc 6: nhiệt độ nước phù hợp 20-30 độ, ấm 1 chút sẽ hấp thu tốt hơn, không nên lạnh quá hay nóng quá.
- Nguyên tắc 7: uống đủ 1,5-2 lít nước 1 ngày (tương đương 8-10 cốc nước 200ml)

4. Mẹo để không quên uống nước:
- Nếu ngồi 1 chỗ: để bình nước bên cạnh mình ở nơi dễ dàng nhìn thấy, thỉnh thoảng uống 1 hụm.
- Nếu phải di chuyển thường xuyên: đeo lên người một bình nước lớn, để phải uống cho chai nước nhẹ đi.
- Cài phần mềm nhắc uống nước hoặc đặt báo thức 30 phút 1 lần để uống thường xuyên hơn.

5. Không phải "nước" nào cũng thực sự cung cấp nước cho cơ thể. 
- Nước lọc, nước canh rau, nước chanh, cam, bưởi, mía, dưa hấu: cung cấp nhiều nước
- Sinh tố hoa quả tươi: chỉ 1 số loại cung cấp nước (đa phần là những loại ít ngọt và nhiều nước). Các loại quả khác thì lượng nước không nhiều lắm mà chủ yếu là chất xơ và đường.
- Sữa: chỉ cung cấp một phẩn nhỏ nước, còn lại là protein
- Nước hoa quả đóng hộp: chủ yếu là hương liệu và phụ gia
- Nước ngọt, nước chứa gas, cafein, trà: không những cung cấp ít nước, gây hại cho sức khỏe mà còn có thành phần khử nước, nên hạn chế tối đa uống các loại nc này. 
- Nước chứa cồn: khử nước mạnh, không nên uống

Bình luận về sản phẩm

Sản phẩm hot